chăm sóc bà bầu chăm sóc sau sinh mỹ phẩm son iope đèn sưởi nhà tắm hộp cơm hâm nóng chefman

trao đổi một số vấn đề về hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay ở thanh hoá

 

TRAO ĐỔI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ  HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN HIỆN NAY Ở THANH HOÁ

 

Giáo dục thường xuyên ở Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, từ bình dân học vụ đến bổ túc văn hóa và ngày nay là ngành học giáo dục thường xuyên. Xu thế của thời đại là hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì vậy giáo dục trong nhà trường chỉ có ý nghĩa là giáo dục ban đầu. Một con người cụ thể, một quốc gia cụ thể muốn khẳng định mình không thể không tự vươn lên bằng chính sức lực của mình. Vươn lên bằng cách nào? Câu trả lời duy nhất là phải học, học suốt đời; mọi người phải học, mọi nhà phải học, mọi ngành phải học, cả nước phải học. Sự ra đời của các trung tâm giáo dục thường xuyên là tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng xã hội.

Ở Thanh Hóa, từ năm 1993, các trung tâm GDTX ra đời trên cơ sở là trường văn hóa tập trung, đa số là sáp nhập trường văn hóa tập trung với trường dạy nghề cấp huyện thành trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề (GDTX-DN). Đến năm 2003, Thanh Hóa có 27 trung tâm GDTX và trung tâm GDTX-DN cấp huyện, 01 trung tâm GDTX tỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GDTX gắn với nhiệm vụ dạy nghề, các trung tâm đã phát triển không ngừng nhờ hai nhiệm vụ này cùng song hành và hỗ trợ cho nhau. Đến khi Chính phủ có chủ trương thành lập ở mỗi đơn vị cấp huyện một trung tâm dạy nghề thì các trung tâm GDTX-DN lần lượt tách ra thành trung tâm GDTX và trung tâm Dạy nghề. Hiện nay Thanh Hoá có 20 trung tâm GDTX, 7 trung tâm GDTX-DN thuộc cấp huyện. Qua thực tiễn hoạt động, khi tách ra thành trung tâm GDTX và trung tâm Dạy nghề thì cả hai đơn vị đều yếu thế, vì có sự hạn chế thế mạnh của nhau, sự hợp tác với nhau không chặt chẽ.

Về phân cấp quản lý:

Ngày 20/5/1997, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX cấp huyện kèm theo Quyết định số 1600/GD-ĐT; ngày 25/9/2000, Bộ trưởng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX kèm theo Quyết định 43/2000/QĐ-BGD&ĐT; Ngày 02/01/2007, Bộ trưởng tiếp tục ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ- BGDĐT. Tất cả các quy chế này đều quy định: Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, chỉ đạo trung tâm GDTX. Đến nay, các trung tâm GDTX cấp huyện ở Thanh Hoá vẫn chưa được quản lý theo các quy định của Bộ mà hiện nay đối với các trung tâm GDTX, Sở GD&ĐT quản lý về chuyên môn nghiệp vụ, UBND huyện quản lý về hành chính, tổ chức.

Thực trạng các trung tâm GDTX:

Về giáo viên: Khi UBND tỉnh quyết định thành lập cho từng trung tâm GDTX có nói rõ số giáo viên là bao nhiêu nhưng trong quá trình phát triển, việc bổ sung đội ngũ giáo viên tuỳ theo từng huyện. Giáo viên được cử về làm việc tại các trung tâm GDTX chủ yếu là để đảm nhận nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá THPT nay gọi là chương trình GDTX cấp THPT.

Đối tượng chủ yếu của các trung tâm GDTX những năm qua chủ yếu là học viên bổ túc văn hoá. Trên cơ sở đối tượng này, các trung tâm thực hiện các nhiệm vụ khác như: bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học. Việc đa dạng hoá các loại hình giáo dục, đào tạo cho nhiều đối tượng khác đã từng bước được mở rộng, nhưng còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Về cơ sở vật chất ở các trung tâm GDTX:

Do hầu hết cơ sở vật chất các trung tâm được nâng cấp từ các trường bổ túc văn hoá vốn đã nghèo nàn, lạc hậu trong khi nhà nước các cấp chưa có chương trình đầu tư xây dựng, từ phòng học, bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Vì vậy cơ sở vật chất nói chung của các trung tâm GDTX chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, chưa thu hút được người có tâm huyết đến với ngành học, không giữ chân được người tài, không hấp dẫn đối với người học.

Từ thực trạng trên, công tác quản lý chỉ đạo hoạt động trung tâm GDTX được nhìn nhận ở một số vấn đề sau:

1. Những thuận lợi:

Giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Điều 4 của Luật Giáo dục 2005; trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục thường xuyên hoạt động theo Quy chế được Bộ GD&ĐT ban hành. Đây là thuận lợi cơ bản để các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu người học.

Mỗi đơn vị cấp huyện đều có trung tâm GDTX. Ban giám đốc các trung tâm GDTX đều là những người có tâm huyết, biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn, năng động trong thực hiện nhiệm vụ, kiên trì trong công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho sự phát triển của đơn vị. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trung tâm được rèn luyện trong môi trường của GDTX, được gần gũi với người lao động, gần gũi với các đối tượng khó khăn nhất của xã hội; họ có sự thông cảm và chia sẻ với mỗi hoàn cảnh nên có sự đồng cảm sâu sắc với người học, chính vì vậy, ở các trung tâm GDTX chúng ta không chỉ nhìn thấy sự đoàn kết trong nội bộ đội ngũ cán bộ giáo viên mà còn thấy sự hoà đồng, chia sẻ giữa cán bộ, nhân viên với người học.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 23/8/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là “Trước hết, phải củng cố, nâng cao chất lượng và năng lực của các trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị xã và thành phố theo hướng tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa giáo viên dạy văn hóa, giáo viên dạy nghề, hướng nghiệp và thực hành để các trung tâm này đủ khả năng thực hiện nội dung GDTX theo quy định của pháp luật...”; UBND tỉnh đã có Quyết định  phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” trong đó có nhiệm vụ, giải pháp “Tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức hoạt động để mở rông quy mô và nâng cao chất lượng các trung tâm GDTX”, đây là tiền đề để Ngành học GDTX, đặc biệt là các trung tâm GDTX vươn lên để khẳng định vị thế, vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Điều quan trọng và và quyết định còn lại chính là ngành giáo dục các cấp, đặc biệt là các trung tâm GDTX có tận dụng được cơ hội này để vươn lên hay không.

2. Những khó khăn:

Khó khăn trước hết đó là sự thể chế hoá chủ trương thành những chính sách cụ thể đối với các trung tâm GDTX còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn:

- Chưa có quy định về biên chế cho trung tâm GDTX: việc cử cán bộ giáo viên về trung tâm tuỳ thuộc vào từng đơn vị huyện; đội ngũ giáo viên về trung tâm chủ yếu là để thực hiện dạy chương trình GDTX cấp THPT (và thực tế là đội ngũ này cũng chỉ đáp ứng  khoảng 50% nhu cầu, số còn lại do giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng đảm nhận). Các nhiệm vụ khác được quy định trong Quy chế, hầu hết các trung tâm không có lực lượng để triển khai thực hiện. Trong khi đó không có cơ chế tài chính cụ thể để trung tâm thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân (ví dụ: trung tâm có 7 giáo viên cấp THPT chỉ có thể đảm nhận được 4 lớp, nhưng nhu cầu học lên tới 6 lớp, vì vậy phải hợp đồng giảng dạy. Số lớp tăng thêm nếu chỉ thu học phí theo quy định thì không thể hợp đồng được giáo viên, trong khi ngân sách nhà nước không hỗ trợ và thu đủ chi sẽ vi phạm quy định- mặc dù có thoả thuận giữa trung tâm với người học).

- Cơ sở vật chất của các trung tâm chưa được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước một cách đồng bộ nên hầu hết phòng học, phòng làm việc chủ yếu là cơi nới, chắp vá; các trung tâm không có phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng thư viện theo chuẩn.

- Từ hai khó khăn nêu trên nên việc tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về ngành học còn nhiều hạn chế, ngay cả đến một số cấp uỷ, chính quyền các cấp cũng chưa có điều kiện để hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm GDTX (mặc dù nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp trưởng thành từ GDTX).

3. Đề xuất giải pháp:

- Cần có hội thảo và khảo sát đối với hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên để đưa ra được mô hình phù hợp. Theo chúng tôi, quy mô dân số cấp huyện ở Việt Nam, nhu cầu học tập của mỗi người cần được tích hợp để được đáp ứng có hiệu quả, vì vậy không nên ở cấp huyện có nhiều loại hình trung tâm cùng thực hiện giáo dục, đào tạo (trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục hướng nghiệp,..., kể cả trung tâm giáo dục chính trị) mà nên đầu tư để xây dựng một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của người học. Điều quan trọng là các bộ, ngành trung ương cần có sự thống nhất phối hợp để quy định đầu mối quản lý, không để tình trạng một đơn vị mà có nhiều cơ quan cùng chỉ đạo.

- Bộ GD&ĐT cần tham mưu với Chính phủ có chính sách phát triển ngành học GDTX để có đủ điệu kiện đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Cần có một cơ quan chuyên trách đủ quyền hạn và trách nhiệm để thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, chẳng hạn như “Tổng cục Giáo dục suốt đời” trực thuộc Bộ GD&ĐT.

4. Kết luận: Ngành học giáo dục thường xuyên đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong xu thế hội nhập ngày nay, GDTX càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vì chỉ có nó mới có thể giúp mọi người hoà nhập và đồng hành cùng thời đại. Rất mong Chính phủ có những chính sách cụ thể để phát triển GDTX ngang tầm với chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XI "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam"./.

                                                       PHÒNG GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

                                                   SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ

File đính kèm:
seo
своими руками

in tem bảo hành- thành lập văn phòng đại diện