đèn sưởi đèn sưởi| tai viber cho android

Văn học hiện đại Thanh Hóa – phác thảo và diện mạo

 

văn học hiện đại thanh hóa – phác thảo và diện mạo

 

                                                                                                                Trịnh Trọng Nam

                                                                               Sở Giáo dục và Đào tạo

 

VĂN HỌC HIỆN ĐẠI THANH HÓA – PHÁC THẢO VÀ DIỆN MẠO

 

                                                                           Trịnh Trọng Nam

                                                                               Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Từ năm 2010 đến hết năm học 2011-2012, tôi vinh dự được cùng hội nhà văn Việt Nam đi nói chuyện thời sự văn học và chân dung nhà văn hiện đại Thanh Hoá tại 17 trường THPT trong tỉnh. Đó là các trường THPT  Thạch Thành 2, Hoằng Hoá 4, Đặng Thai Mai, Nông Cống 1, Tĩnh Gia 1, Thạch Thành 3, Vĩnh Lộc, Lam Sơn, Ba Đình, Lương Đắc Bằng, Quảng Xương 3, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Lai, Cẩm Thuỷ 3, Hà Trung, Hậu Lộc 2, Triệu Thị Trinh. Mảnh đất văn học xứ Thanh màu mỡ, giàu tiềm năng đã được các nhà văn ươm mầm, gieo hạt. Giáo viên, học sinh và những người yêu quý văn chương đã hưởng ứng sôi nổi, góp phần tạo nên những góc nhìn tiếp cận đa chiều đối với trang văn học địa phương.

Đến làm việc với các trường THPT trong tỉnh, nhiều giáo viên và học sinh ngưỡng mộ các nhà văn không chỉ về tài năng mà trước hết là hình ảnh những người làm văn tâm huyết, say sưa với văn học tỉnh nhà. Đặc biệt là nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;  nhà văn Kiều Vượng - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng Văn phòng đại diện báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung đóng trụ sở tại Thanh Hóa.

Những bài nói chuyện của Hội Nhà văn Việt Nam với các trường THPT ở Thanh Hoá đã phác thảo nên diện mạo văn học hiện đại xứ Thanh. Mỗi một miền quê và cuộc đời chân dung của người nghệ sĩ qua cách giới thiệu của các nhà văn đều hiện lên sống động, tạo nên bức tranh đa sắc màu trong vốn văn chương địa phương của giáo viên và học sinh Thanh Hoá, thắp lên khát vọng khám phá, sáng tạo và tình yêu với văn chương, nghệ thuật.

 Sự sáng tạo của nhà văn là con đẻ của tài năng. Nguồn gốc gia đình và của thời đại ảnh hưởng sâu sắc đối với sự nghiệp của người cầm bút. Nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng với Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Hoa lúa. Bi kịch của người thơ ấy trong vụ Nhân văn Giai phẩm chỉ vì 2 câu thơ của bài Màu tím hoa sim: “Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại”. Người nghẹn ngào, nức nở với bi kịch của Màu tím hoa sim, nhận ra sức mạnh của những câu thơ đã một thời bị quy kết nhuốm màu sắc tiểu tư sản. Và cuộc đời của nhà thơ Hữu Loan bận bịu với “chuyện làm người” đã được phục nguyên giá trị bằng việc tỉnh Phú Yên làm bảo tàng về Hữu Loan ở đèo Cả. Bài thơ đã được phổ nhạc, trở thành bản tình ca Màu tím hoa sim với lời ca những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt… nổi tiếng. Một công ty hải ngoại đã mua bản quyền bài thơ này của Hữu Loan với giá 100 triệu. Nhà thơ Hữu Loan, cặm cụi thồ đá trong núi Vân Hoàn - Nga Sơn gần cả cuộc đời đã về cõi vĩnh hằng. Bằng những hồi ức và giọng đọc thơ trữ tình trầm lắng, vang ngân, nhà văn Kiều Vượng đã dựng được những tượng đài bất hủ trong cuộc đời và trong nghệ thuật.

Giáo viên và học sinh trường THPT Ba Đình hiểu sâu sắc hơn nhà thơ Hữu Loan. Đó là một con người cá tính, giàu sức sáng tạo. Thơ của ông phản ánh nỗi đau chiến tranh. Bi kịch không chỉ với những người cầm súng ra trận mà là nỗi mất mát của những người vợ, người mẹ. Cùng với Quang Dũng ở bài Tây Tiến, Hữu Loan đã bổ sung vào thơ ca kháng chiến chống Pháp chất bi tráng mà không hề bi luỵ, tạo thành giọng điệu hào hùng riêng một thuở. Người tiếp nhận thơ tự hào vì quê hương Nga Sơn đã sinh ra một nhà thơ kiêu hãnh. Hình tượng và cuộc đời Hữu Loan tạo nên diện mạo mới trong mảng đề tài văn học chiến tranh với những khám phá bất ngờ về giọng điệu thơ và ngôn ngữ thơ kháng chiến.

           Đến THPT Lương Đắc Bằng nói chuyện, các nhà văn quê ở huyện Hoằng Hoá hiện lên sống động. Nhà văn Nam Mộc tên thật là Lê Hữu Kiều là dịch giả nổi tiếng với các tiểu thuyết Sông Đông, Đất vỡ hoang, Người mẹ. Ông là nhà giáo, nhà văn đồng thời là một nhà chính trị hoạt động trước Cách mạng tháng Tám. Nam Mộc từng là bí thư xứ uỷ Nam Kì. Nhưng khi trở về Hà Nội sau Cách mạng tháng Tám, ông âm thầm hoạt động ở lĩnh vực dịch các tác phẩm văn học Nga. Điều quan trọng là những tác phẩm dịch của ông được đánh giá rất cao nhưng ông không được đào tạo học tiếng Nga bài bản mà bằng việc tự học. Các thầy cô dạy văn có dịp hồi tưởng về những trang văn giàu hình ảnh, trong sáng đã lột tả được tài năng của các nhà văn Nga như Lép Tônxtôi, Sôlôkhốp, M.Gorki…

Những tràng vỗ tay nồng nhiệt, đầy niềm tự hào khi người nghe được giới thiệu về nhà thơ Cầm Giang. Cái tên Cầm Vĩnh Ui, hay một nhà thơ khuyết danh lại chính là cuộc đời thật của nhà thơ quê ở làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá: Lê Gia Hợp. Nghe kể về cuộc đời của Lê Gia Hợp người nghe trầm trồ thán phục và những ánh mắt chan chứa niềm xúc động vì Lê Gia Hợp như hoá thân vào giọng điệu của một nhà thơ lâu nay nhiều người vẫn cứ nhầm tưởng là nhà thơ dân tộc Thái của Sơn La với những vần thơ đậm lối nói thật thà chân chất của người dân bản vùng cao:

Tôi nhớ vợ tôi lắm

Xin được về hai ngày

Nhà tôi ở Mường Lay

Có con sông Nậm Rốm

Ngày kia tôi sẽ đến

Lại cầm súng được ngay

Tôi càng bắn đúng Tây

Vì tay có hơi vợ

Cho tôi đi, đừng sợ

Tôi không chết được đâu

Vì vợ tôi lúc nào

Cũng mong chồng mạnh khỏe…

Bài hát Tình ca Tây Bắc vang lên trầm hùng, hoành tráng “Anh là dòng sông Mã, em là núi Mường Hung” có phần lời là của nhà thơ Cầm Giang - Lê Gia Hợp được các em học sinh minh hoạ như một minh chứng cho niềm tự hào kiêu hãnh về mảnh đất quê hương Hoằng Hoá đã sinh ra nhà thơ tài năng.

          Không khí văn chương, nghệ thuật trở nên sôi động trên sân trường THPT Lê Lai trong chiều cuối năm 2011 khi các điệu hát xường của dân tộc Mường Ngọc Lặc ngân nga tha thiết. Sử thi Đẻ đất đẻ nước có không khí thần thoại trong phần giới thiệu về mối quan hệ giữa nét phong tục tập quán của người Mường. Khoảng cách của văn học hiện đại với không khí trì hoãn sử thi được học sinh tiếp cận sâu hơn trong những môi trường văn học. Nhà thơ Vương Anh, con người của quê hương Ngọc Lặc đã dựng lại văn hóa Mường trong cộng đồng văn hoá dân tộc Việt Nam thật sinh động: Khát vọng chinh phục tự nhiên, khát vọng sức mạnh thần thoại làm cho giáo viên và học sinh hiểu thêm về cội nguồn và sức sáng tạo của cha ông.

  Qua các buổi tọa đàm, giáo viên và học sinh các trường tổ chức nói chuyện thời sự văn học có cơ hội tiếp nhận cá tính trong cuộc sống và trong sáng tạo của các nghệ sĩ. Ở chương trình Ngữ văn hiện hành, phần lý luận văn học không được giới thiệu nhiều, vì vậy, đây là cơ hội để giáo viên và học sinh hiểu được “chuyện bếp núc” của một số nhà văn. Mỗi nhà văn đều khai thác đề tài trong cuộc sống màu mỡ, phì nhiêu. Người nghe được tiếp nhận  những phát hiện trong tư duy, bố cục của nhiều tác phẩm. Đặc biệt là những cung bậc, những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Thanh. Về THPT Nguyễn Mộng Tuân, thầy trò được tự hào với nhà văn Triệu Bôn đầy bản lĩnh và trải nghiệm với triết lý về đặc trưng con người Thanh Hoá “Thanh Hoá quê tôi như một vùng nước lợ. Tất cả cái mặn mòi chân chất của miền trong và hào hoa phong nhã của miền ngoài khi chạm vào đất Thanh đều tan”.

 Khi nghe bài thơ Rau má của Trịnh Anh Đạt, giáo viên và học sinh THPT Hà Trung cười vang và những khoảng lặng kéo dài. Trong máu mỗi dân xứ Thanh loài rau tràn trề sức sống, ngai ngái mùi vị, ngai ngái cuộc đời lại là thước đo những thăng trầm và trải nghiệm về một vùng đất gian khổ, giàu tiềm năng và bản lĩnh. Đọc truyện Hãy đi xa hơn nữa, người nghe hiểu thêm về một Nguyễn Thế Phương nhân hậu, đằm thắm. Chớp lấy linh hồn trong cuộc đời số phận của người nghệ sĩ, những ánh sáng khúc xạ rực rỡ, chói chang nhất, Hội nhà văn Việt Nam đã phác thảo nên chân dung và sự nghiệp các nhà văn xứ Thanh, giúp người nghe cảm nhận ấn tượng tinh tế, sâu sắc.

 Đó là một Hữu Loan tài hoa sắc sảo. Một Trịnh Thanh Sơn “rót cô đơn vào biển”. Một Cầm Giang - Lê Gia Hợp với  lời thơ của bài hát Tình ca Tây Bắcem là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung”. Một Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn. Và đây Hồ Zêch với Ngập ngừng, Thôi anh đừng đến nữa, một Hồng Nguyên hy sinh ở chân Cầu Vàng - Yên Định với bài thơ Nhớ. Tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên giới thiệu du lịch về Trần Mai Ninh Ơi cái gió Tuy Hoà, gió đi ngang đi dọc. Cần cù và phóng túng. Đọc những câu thơ trong bài Việt Nam trên đường chúng ta đi của Ngô Xuân Sách đầy niềm tự hào và kiêu hãnh. Những bài học về tình yêu Đảng trong thơ Minh Hiệu và thơ ông đậm chất ca dao dễ nhớ, dễ thuộc, dễ tuyên truyền. Lữ Giang ngọt ngào với Tiếng đàn bầu Việt Nam cung thương là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha, ngân nga em vẫn hát, tích tịch tình tình tang…

Đánh giá về nhà văn Lê Minh Khuê, Hội nhà văn Việt Nam khẳng định Lê Minh Khuê là nhà văn nữ sau cách mạng có số lượng tác phẩm đồ sộ nhất, các tác phẩm của chị là niềm tự hào sâu sắc đối với thầy cô và học sinh huyện Tĩnh Gia.

 Người nghe tiếp nhận hào hứng thơ Lê Văn Vọng, Lê Đình Cánh. Hai anh em ruột các nhà thơ Nguyễn Bao và Nguyễn Biểu (tức nhà thơ Định Hải – quê Yên Định). Nguyễn Bao nổi tiếng với bài thơ Hoa chanh. Bài hát Trái đất này là của chúng mình mà thiếu nhi cả thế giới hát được phổ nhạc từ lời thơ của nhà thơ Định Hải được vang lên trong những tràng vỗ tay nồng nhiệt của giáo viên và học sinh tại biển Sầm Sơn dịp hè 2011.

Đặc biệt trong những lần giới thiệu, giáo viên và học sinh đón nhận  thơ Nguyễn Duy như một hiện tượng sáng tạo độc đáo nhất của thơ hiện đại  Việt Nam. Sự nghiệp thơ Nguyễn Duy có 3 giai đoạn chính. Ở giai đoạn nào cũng khẳng định được đỉnh cao. Trước 1975 với Sông Thao, Hơi ấm ổ rơm, Tre Việt Nam. Nhưng đến sau 1976, Nguyễn Duy đầy phân vân, nghi ngờ Lời của cây, của quả. Mỗi bài thơ của Nguyễn Duy đều được ra đời từ một hoàn cảnh cụ thể nên nó mang rõ số phận: Về làng, Đò Lèn, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa...

Hội nhà văn Việt Nam truyền tải thông điệp đầy triết lý về tính dự báo của văn học. Khi tiếp nhận những giá trị văn học, phần lý luận thường đề cập tới những chức năng cơ bản của văn học là chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ. Nguyễn Duy không phải là người tiên phong cho dự báo văn học. Nhưng sau đại thắng mùa xuân 1975, nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Duy đã tiên phong nhìn thẳng vào sự thật để dự báo về mặt trận không có tiếng súng với niềm khát khao hướng thiện. Bài thơ Ánh trăng là cuộc đấu tranh với sự vụ lợi, với khao khát sống thuỷ chung, nhân văn trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Tính cách của nhà thơ Nguyễn Duy đại diện cho sự độc đáo, trực diện dũng cảm. Nguyễn Duy đi lang thang mấy năm, qua 160 nước để Nhìn từ xa Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực, Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ… đầy dự báo về nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, nhân cách con người Việt Nam. Thơ Nguyễn Duy đi từ cái trong trẻo lúc học trường cấp 3 Lam Sơn, cái đằm thắm của quê hương, sự trong sáng hào hùng của chiến tranh, đến những day dứt, trăn trở của hiện tại cuộc sống thời bình.

Hội Nhà văn Việt Nam trăn trở về đội ngũ nhà văn Thanh Hoá.  Trong Hội Nhà văn Việt Nam có 75 người Thanh Hoá nhưng đã quá cố 19 người. Nhà văn trẻ nhất hiện nay vừa kết nạp là Viên Lan Anh (quê Quảng Xương), sinh năm 1964. Còn người trẻ thứ hai năm nay đã 56 tuổi. Chính vì vậy mà  Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo Thanh Hóa tổ chức mở lớp viết văn trẻ lần thứ nhất tại Thanh Hoá tại Sầm Sơn hè 2011. Những trái chín đầu mùa báo hiệu những dấu hiệu tốt lành. Một trang trên Văn nghệ trẻ số 34 năm 2011 đã đang tải bài của các em học sinh: Dương Thu Hằng lớp 11V trường THPT Lam Sơn, Nguyễn Thu Trang trường THCS Hoằng Hợp… Nhưng để có một đội ngũ trưởng thành, sung sức thì phải kiên trì phát hiện, chăm lo của các cấp các ngành. Những mầm tài năng đó cần được phát hiện và nuôi dưỡng sáng tạo.

Hành trình của Hội Nhà văn việt Nam đến với giáo viên và học sinh yêu thích thơ văn là sự trải nghiệm tinh hoa, nhiệt tâm. Như con tằm nhả tơ, như con ong chăm chỉ dâng mật ngọt cho đời, các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học đã đốt cháy khát vọng đến với văn chương của giáo viên và học sinh Thanh Hoá. Sự hưởng ứng nhiệt tình và sự ngưỡng vọng văn chương đã làm khoảng cách văn chương và cuộc sống gần gũi gắn bó hữu cơ. Giáo viên được trực tiếp trò chuyện, đối thoại thẳng thắn, chân thành với các nhà văn, những người sáng tạo tác phẩm. Phần nào những trăn trở, những khó khăn về các cách tiếp cận tác phẩm đã được nhìn nhận dưới góc độ lịch sử đa chiều hơn. Thời đại đã sinh ra tác phẩm nhưng nếu không có tài năng và trách nhiệm của người cầm bút thì khó có thể sống được với thời gian. Công chúng độc giả công bằng hơn, khách quan hơn, khát vọng mãnh liệt hơn trong tiếp cận. Văn học xứ Thanh tươi xanh, nảy lộc đâm chồi từ miếng đất màu mỡ, phì nhiêu, giàu tiềm năng sáng tạo, có sức sống bền bỉ, dẻo dai vì thầy và trò của các nhà trường đã khơi thông mạch nguồn từ dòng sông, con suối về với đại dương.

 

                                                                                            Hè 2012

 

File đính kèm:
seo
своими руками